Sự thay đổi
Sau khi rời khỏi công ty gia công phần mềm mình gặp rất nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường mới. Hầu như những kỳ vọng vào công việc rất khác với những kinh nghiệm mình có được. Bài ghi chú này để ghi lại trải nghiệm của mình sau gần một năm về những gì khác biệt nhất mình nhận ra:
- mô hình kinh doanh của công ty
- đóng góp của 1 vị trí vào sự thành công của 1 dự án
Ngữ cảnh đặt ra có hai công ty:
- Công ty A: phát triển sản phẩm
- Công ty B: cung cấp nhân lực gia công
Mô hình kinh doanh
Tại công ty gia công, nguồn lợi đem lại là sự chênh giữa doanh thu ký hợp đồng cung cấp nhân lực cho các khách hàng và chi phí để có sự phục vụ của nhân lực đó. Ví dụ công ty B có thể ký hợp đồng với khách hàng cung cấp 1 nhân lực với chi phí là 10đ/nhân lực/tháng nhưng tổng chi phí của nhân lực chỉ là 3đ/tháng, nên trong 1 tháng nhân lực này đem lại lợi nhuận là công ty là 7đ/tháng.
Trong khi đó, với một công ty công nghệ A có sản phẩm bán ra cho ngươi dùng cuối thì nguồn lợi đem lại từ phần mềm mà họ viết ra. Có thể hiểu trong trường hợp này, sản phẩm phần mềm đem lại lợi ích cho người dùng đủ lớn để họ sẵn sàng trả tiền cho công ty A.
Để tăng trưởng, mô hình kinh doanh của công ty B họ phải bán nhiều nhân lực hơn, giảm chi phí sở hữu nhân lực hoặc là tăng giá bán một nhân lực mà công ty có khả năng sở hữu. Sản phẩm của họ là nhân lực! Trở lại công ty A, họ không thể theo cách thức như trên, sản phẩm họ phát triển và phân phối là một phần mềm chạy thật sự. Doanh thu đến từ việc sản phẩm của họ “hữu ích” cho khách hàng.
Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các quyết định của các cấp quản lý giữa hai mô hình kinh doanh. Văn hóa hành xử và kỳ vọng sẽ hình thành từ cấp đội nhóm, phòng ban và định hình văn hóa công ty. Mục tiêu là làm khách hàng hài lòng, với công ty cung cấp nhân lực, khách hàng hài lòng khi nhân lực được thuê thỏa mãn một hoặc một vài điều kiện nhất định trong khi đó công ty phát triển sản phẩm, sự hài lòng đến từ việc sử dụng sản phẩm phần mềm.
Quá trình thay đổi kỳ vọng và đón nhận văn hóa mới giúp mình hoàn thiện hơn về mặt tâm lý: học thêm được nhiều ngữ cảnh khi một quyết định được đưa ra như thế nào đồng thời chấp nhận những khác biệt mới so với kinh nghiệm sẵn có.
Đóng góp của một vai trò trong một dự án
Với sự khác biệt về mô hình kinh doanh, các dự án của công ty B cung cấp nhân lực gia công phần mềm thường sẽ thiếu đi những giai đoạn rất quan trọng. Thông thường dự án gia công sẽ đi qua các khâu chính như: phân tích yêu cầu, lên ước lượng và lập kế hoạch dự án, ký kết hợp đồng, hiện thực phầm mềm và nghiệm thu dự án. Câu hỏi đặt ra là:
- Vì sao có yêu cầu chi tiết để công ty B có dự án
- Vận hành sản phẩm phần mềm tạo ra lợi nhuận như thế nào
Hai câu hỏi trên bắt buộc phải có trong một công ty phát triển sản phẩm. Đó là khởi đầu và mục đích khi công ty làm cho sản phẩm phần mềm của họ trở nên có ích hơn với người dùng. Và để làm hai việc trên càng chính xác càng tốt (thử tưởng tượng một trường hợp bạn xây dựng một phần mềm giải quyết một vấn đề không có khách hàng cần hoặc không rõ sẽ vận hành kiếm lợi ra sao thì thiệt hại sẽ to lớn đến thế nào) thì một dự án cần nhiều vai trò hơn, nhiều người tham gia hơn. Vai trò của bộ phận kỹ thuật khi phát triển ra sản phẩm là một mảnh ghép trong một tổng thể lớn hơn, phức tạp hơn, nhiều khớp nối hơn với nhiều ràng buộc hơn.
Có thể vẽ một biểu đồ tại hai công ty như sau:
và:
Tại công ty sản phẩm, các vai trò DEV, BA, QA…đều nằm trong phân loại “TECHNOLOGY”. Theo góc nhìn này, khi chuyển sang công ty phát triển sản phẩm, cần phải tương tác với nhiều vai trò hơn. Sự hợp tác trở nên rộng và cần nhiều thời gian, sự kiên nhẫn là đòi hỏi bắt buộc để có thể hiểu được yêu cầu và ràng buộc của các bên tham gia vào dự án. Muốn một dự án thành công, mỗi vai trò phải hợp tác với rất nhiều bộ phận khác theo những mức độ và kỳ vọng khác nhau. Đồng thời nhận thức được mức độ tác động về vai trò của mình trong tổng thể một dự án vẫn luôn có nhiều hạn chế khi xem xét giải pháp bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Ý thức khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, phản hồi của các bên khi nhìn vào cùng một vấn đề và luôn cố gắng đạt đến một mức đô đồng thuận nhất định. Đôi khi vấn đề từ phía mình có thể ko nghiêm trọng như mình nghĩ hoặc là mọi thứ cũng ko đơn giản như cách chúng ta thay đổi một dòng code.
Một điều mình nhận ra ngay là khi làm việc tại công ty gia công, chưa bao giờ mình có cơ hội tiếp xúc với bộ phần “business” của khách hàng!
Tổng kết
Hai điều khác biệt nêu trên khi nhận ra đã giúp ích mình rất nhiều trong việc điều chỉnh kỳ vọng và thích nghi với môi trường mới. Mình vừa có thể hoạt động độc lập, vừa biết cách kết nối hơn với các phòng ban khác trong công ty từ đó mà biết cách đóng góp cho dự án một cách tốt đẹp hơn.